Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

VỤ THẬN MÓNG NGỰA

Là một bác sĩ niệu khi nghe đồng nghiệp mình có biến chứng thì thật đau lòng và nhất là người đồng nghiệp của mình là một ông thầy và là một đàn anh của mình nữa. Cá nhân mà nói, mình đã từng công tác tại bệnh viện Đa Khoa Cần thơ mà sau này tách thành bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ và Bệnh viện Đa Khoa Tp. Cần Thơ ít nhiều mình cũng hiểu về nơi đó. 

Thận móng ngựa là bệnh hiếm. Ở những nơi như bệnh viện Bình Dân tp. HCM, nơi có số lượt bệnh nhân khám vì bệnh lý tiết niệu có thể nói là cao nhất nước, gần 250 bệnh nhân nằm điều trị nội trú, thế mà tỷ lệ gặp thận móng ngựa cũng không nhiều. Vì số lượng bệnh nhân đông, tập chung, nên các bác sĩ làm ở Bình Dân có lẽ có mai mắn là gặp bệnh lý này nhiều hơn nơi khác. Nói vậy để có thể thông cảm cho trường hợp ở Cần thơ, mà vấn đề chủ yếu là không chẩn đoán trước mổ thận móng ngựa được. Đây là chuyện chẳng đặng đừng về cách tổ chức hệ thống y tế của chúng ta, phân cấp y tế nhiều quá, phân loại bệnh viện nhiều quá. Ví dụ, một bác sĩ giỏi có thể làm tất tần tật những việc gì của một đồng nghiệp tuyến trung ương làm nhưng đang làm việc ở cấp thấp hơn nên không làm được theo khả năng chuyên môn của mình được. Và cũng vì sự phân cấp phân loại đó mà bệnh nhân tỏ ra kinh thường các bác sĩ tuyến tỉnh tuyến huyện, đánh giá quá cao các bác sĩ tuyến trung ương tuyến thành phố, mà thật sự mà nói đâu phải bác sĩ tuyến trung ương hay thành phố đều giỏi.

Thận móng ngựa là dị tật bẩm sinh, 2 thận dính nhau cực dưới qua đường giữa bụng. Khi mổ thận móng ngựa một điều kinh khủng nhất là hệ thống phân bố mạch máu nuôi thận không theo một quy luật nào cả, có rất nhiều mạch máu bất thường nuôi thận. Vì vậy, khi mổ cắt thận mà không biết đó là thận móng ngựa là nguy cơ chảy máu rất cao, nguy cơ sa lầy rất cao, mà bất cứ ai mỗ đều có thể bị hết. Trong tình huống căng thẳng và hồi hộp đó, người bác sĩ rất dễ phạm phải sai lầm khi không còn bình tĩnh. Cứ thấy mạch máu nuôi thận là cắt kẹp cột, cho đến khi nào không còn mạch máu nữa. Theo dự đoán, vì ê-kíp mổ lúc đó vì chưa nghĩ mình đang mổ trên thận móng ngựa, cho nên thấy còn thận là còn cắt, vì nghĩ là mình đang mổ một bên, dù gì thì cũng còn bên kia. Khi thấy thận mình đang cắt sao có hình dáng như 2 trái thận nhưng trong đầu lại chưa nghĩ ra là thận móng ngựa mà nghĩ là thận đôi, nên cứ cắt tiếp. Đây rõ ràng là một tai nạn nghề nghề nghiệp, một tai nạn đáng tiếc và một tai nạn do hoàn cảnh nữa.

Sự việc đáng tiếc đó, rất hiếm, nhưng cuối cùng đã xảy ra. Xảy ra trên một bệnh bẩm sinh hiếm gặp. Xảy ra trong một tình huống tế nhị. Xảy ra ở một cơ sở y tế thiếu thốn về trang thiếu bị và sự đồng bộ, không đủ về nhân lực có khả năng chuyên môn cao. Xảy ra trên một địa phương là đồng bằng sông cửu long, một vùng trũng của cả nước về nhiều mặt. Xảy ra trên đất nước thiếu thốn nhiều thứ. Xảy ra ngay lúc cả xã hội đang rất tức giận về ngành y.

Khi sự việc đã xảy ra như thế là một cú sốc cho nhiều người. Cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, cho bác sĩ, cho bệnh viện cho lãnh đạo địa phương.v..v….Rồi giải quyết hậu quả như thế nào nữa, cũng đáng nói lắm. Không hiểu vì sao, đưa bệnh nhân ra tuốt ngoài Bệnh viện Trung ương Huế để ghép thận. Trong khi ở thành phố HCM có Bệnh viện Chợ Rẩy, gần Cần Thơ, là nơi rất có nhiều kinh nghiệm trong ghép thận, nhất cả nước lại không được chọn là nơi giải quyết hậu quả. Mà lại ra ngoài Huế, để rồi bệnh nhân chờ và chờ, mất hàng tháng trời bệnh nhân mới được mổ ghép thận, mổ tới mỗ lui tới mười lần. Tốn không biết bao nhiều kinh phí. Không biết việc thay vì cho bệnh nhân ghép thận tại tpHCM mà ra Huế thì có được lợi gì cho bệnh nhân, cho người nhà bệnh nhân và cho bác sĩ phẫu thuật cũng như cho bệnh viện Đa Khoa Cần thơ, có ai biết trả lời dùm.

Rồi cuối cùng bệnh nhân cũng được ghép thận, dù với cái giá đắt. Bệnh viện ĐKCT cũng như bác sĩ phẫu thuật cũng đã lo lắng cho bệnh nhân, tìch cực bù đắp lại phần nào cho bệnh nhân và gia đình, ngoài việc ghép thận, xây nhà tình nghĩa cho bệnh nhân, chu cấp hàng tháng, thăm hỏi gia đình v.v...Cái giá của việc đó, so theo tình hình chung của cả nước là cao và thật là chu đáo. Nhưng đều trớ trêu là kinh phí đó từ đâu trong thời gian dài sắp tới. Quyền lợi của một tập thể lớn nhân viên của bệnh viện bị ảnh hưởng, khi mà tiền thu nhập tăng thêm của người ta bị cắt hàng thàng vì chỉ …một ca tai biến của một bác sĩ.

Chuyện tưởng đâu êm thì đùng một cái bệnh nhân kiện. Thế thì có nhiều ý kiến trái chiều về chuyện kiện tụng này tất cả những đánh giá chê trách bệnh nhân và người nhà là : “nếu không được mổ lầm liệu có tiền ghép thận không”, “thì xanh cỏ rồi”, “người ta làm vậy mà còn đi kiện”, “vậy là mai rồi”, “làm như vậy là tham quá”, “được voi đòi tiên” v.v….Tất cả những đánh giá đó là đánh giá cảm tính, người ta đánh giá theo chữ tình, theo cảm nhận cá nhân của mỗ người. Có lẽ xuất phát từ một xã hội bị ảnh hưởng của việc đức trị nhiều quá chứ không theo kiểu của xã hội pháp trị. Quyền thưa kiện là quyền của tất cả mọi người nếu thấy mình bị hại.

Tranh cãi rất nhiều, hòa giải không thành. Vậy cho đến khi nào hòa giải thành công? Chúng ta nếu là bác sĩ, điều trị cho bệnh nhân, về mặt đạo lý chúng ta không thể nào lựa chọn bệnh nhân dựa trên trình độ hiểu biết của họ được.

Vì vậy, trong tình hình này, phải nói là rất cần thiết thành lập y sĩ đoàn, một tổ chức hoạt động có tính chất độc lập, có tính phản biện cao để giúp ngành y tế đánh giá về phẩm chất nghề nghiệp, thẩm định về trình độ chuyên môn của một bác sĩ. Y sĩ đoàn có quyền cho phép hoặc không cho phép một bác sĩ nào đó được hành nghề y tư nhân. Thiết nghĩ nếu trong trường hợp này nếu có y sĩ đoàn, thì trong tòa án sẽ có mặt của họ, họ sẽ có tiếng nói giúp tòa án quyết định chuyện nào đúng chuyện nào sai, ý kiến của họ có chuyên môn và có chiều sâu, có y đức – đạo lý trong đó.

Vụ này rồi cũng sẽ qua, nhưng sẽ còn rất nhiều vụ khác trong thời gian tới. Không lẽ chúng ta cứ lúng túng hoài chăng? Phải làm gì đó để bác sĩ an tâm công tác, an tâm phẫu thuật chữa trị bệnh nhân với hiệu quả cao nhất. Không lẽ cả bệnh nhân và thầy thuốc là nạn nhân hoài sao.

Chờ gì nữa…..!!!?

Không có nhận xét nào: