Liên quan tới tôn giáo mình cũng thấy có nhiều chuyện vui trong bệnh viện. Những nhân viên y tế là đạo Phật hay là Phật tử hay dẫn những ni cô hay các nhà sư đi khám bệnh. Còn những người đạo Công giáo thì lo cho các cha các ma-sơ v.v…Người nào lo đạo của người đó. Mà thường thấy là những bậc tu hành đó ít khi đi khám bệnh một mình, thường đi kèm với vài vị đồng đạo vào bệnh viện.
Mỗi khi có quyết định mổ cho những vị đó, thường thì họ không quyết định ngay. Các sơ thì nói: “ để về hỏi ý kiến sơ bề trên” còn các thầy đạo Phật thì ”để thầy về hỏi ý kiến thầy trụ trì cái đã”.
Đa số các nhân viên y tế khi tiếp xúc với các bậc chân tu thì thường có một thái độ khác với người bệnh nhân thường, thường thì họ không lớn tiếng nạt nộ, nói chuyện cũng nhẹ nhàng hơn, lễ phép hơn, chỉ dẫn cũng tận tình hơn.
Và mình cũng thường thấy là tâm lý của các vị ấy rất vững trước bệnh tật, chịu đựng đau thường cũng tốt hơn. Đây là cảm nhận các nhân của mình, nhớ có lần chứng kiến một bà ma-sơ được đồng nghiệp mổ tai biến xì dò tiêu hóa-đường tiểu, mổ tới mổ lui, mà thấy bà ấy tỉnh bơ. Tuy nhiên, những cha hay sư trụ trì lớn tuổi, già cả thì có phần nhõng nhẽo hơn người trẻ, có lẽ do các đệ tử hay các tín đồ nuông chiều chăng?
Cá nhân mình có vấn đề về mặt xưng hô khi gặp những vị ấy. Ví dụ, gặp một xơ thì có lúc mình kêu là xơ lúc kêu là chị, là cô. Gặp cha thì lúc xưng là cha lúc xưng là ông là bác. Gặp sư thì lúc gọi là sư một hồi quên kêu bằng anh bằng ông bằng bác.v.v….lộn tùng phèo cả lên. Không biết làm sao mà sửa cái này được.
Và thường khi điều trị cho những bệnh nhân này mình rất an tâm, ít lo sợ bị thưa kiện hơn bệnh nhân thường. Nhưng ngược lại, hơi có một chút lo lắng là mình có đối xử phải phép với họ hay không.
Hôm nay mổ cho một bệnh nhân thuộc giới tu hành nên có những suy nghĩ như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét