Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

SỐ LIỆU Y KHOA



Trong thời gian gần đây, chúng ta thấy trong giới học thuật, đại học y khoa, bệnh viện thường có những buổi báo cáo khoa học. Trong trường đại học y khoa, hàng năm cho ra lò hằng hà sa số các luận văn, luận án, các báo chuyên ngành y khoa cũng vậy, xuất bản rất nhiều bài nghiên cứu của giới bác sĩ Việt Nam.



Thư viện trường đại hoc y gần như quá tải ở khu chứa luận văn của các nghiên cứu sinh, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II. Hàng loạt đề tài cấp bộ cấp nhà nước , cấp thành phố, cấp bệnh viện…đủ các cấp ra lò mỗi năm. Nếu một người hoàn toàn vô tư, ở một đất nước khác đến, hay ở hành tinh khác đến chắc chắn người ấy sẽ thấy những con số trong các bài nghiên cứu đó thật đẹp, thật kêu. Các kết quả nghiên cứu của chúng ta không khác với ngoại quốc cho lắm, thậm chí còn tốt hơn, người nghe hài lòng, người làm rất hài lòng với những con số vô tội.

Thế nhưng có ai biết được sự thật đằng sau các con số ấy.

Có bác sĩ học cao học, hiếm lắm mới đi bệnh viện một lần nhưng đến khi ra trường bỗng nhiên có một đề tài nghiên cứu rất đẹp, rất kêu. Người ngoài cuộc nếu chỉ nhìn kết quả nghiên cứu ấy chắc chắn nghĩ đây là một công trình của một bác sĩ giỏi, của một bác sĩ siêng năng, tận tụy, lăn lộn lâm sàng mới có thể làm nghiên cứu như vậy. Trong cuộc trà dư tửu hậu, một anh tiến sĩ từng nói, hầu hết các con số trong luận văn đều không có thật, chỉ có tên của bệnh nhân là đúng mà thôi. Cũng có lần một anh bác sĩ lớn, nhìn bài báo cáo của đồng nghiệp mình trong hội nghị, đành chép miệng nói rằng “tỷ lệ tử vong, tai biến biến chứng sau mổ giấu hết rồi!”.

Thế mới biềt chỉ người trong cuộc mới hiểu thực hư như thế nào. Không biết có thể gọi đây là gì, là hậu quả của bệnh thành tích trong giới khoa học chăng?

Nếu tình trạng này kéo dài thì sao? Nếu tình trạng này kéo dài chúng ta sẽ mất đi những dữ liệu thật của người bệnh Việt Nam. Tỷ lệ bệnh lý thật sự, tỷ lệ mắc bệnh ung thư thật sự, tỷ lệ tai biến, biến chứng, chiều cao, cân nặng .v.v…không biết cái nào thật cái nào giả nữa. Các nghiên cứu sau trích dẫn kết quả "ma" của nghiên cứu trước, cứ như vậy mà kéo dài.

Không hiểu sau vài chục năm nữa, các thế hệ con cháu của các nhà khoa học hiện nay cũng sẽ làm nghiên cứu khoa học. Họ phát hiện ra cha mình, ông của mình là những nhà khoa học gian dối thì sao nhỉ?

Trong y học, trong lâm sàng, khi người bệnh đến trị bệnh, những thông tin của họ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Những dữ liệu từ người bệnh thật sự rất quý giá, những thông tin từ người bệnh vô cùng quan trọng. Những thông tin từ người bệnh quan trọng hơn rất nhiều so với thông tin của chuột bạch, vì đây là thông tin của con người. Khi làm lâm sàng mà chúng ta không sử dụng những thông tin ấy làm nghiên cứu, đúc kết, để phục vụ cho khoa học là chúng ta có lỗi với họ. Mặc khác, nếu chúng ta sử dụng những thông tin ấy một cách méo mó, gọt dũa sai với thực tế nhằm có kết quả đẹp theo ý của ta, thì việc làm ấy không thể chấp nhận được, không tôn trọng bệnh nhân và có thể là vô đạo đức nữa.

Sự trung thực trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu y khoa ngày nay là một món hàng quý và hiếm đến nỗi có người còn xem điều bình thường ấy là bất thường. Sự giả dối, những con số "ma" là điều hết sức bình thường trong xã hội ta, thật tai hại.

Đúng là ai sao tui dzậy, ai làm bậy tui làm theo !

Không có nhận xét nào: