Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

MÙNG BA TẾT THẦY

Hôm nay mùng Ba Tết AL, ngày Tết thầy cô, thử bàn về vai trò người thầy trong y khoa hiện nay. 

Từ thuở còn là sinh viên y khoa, những người đầu tiên dẫn dắt mình từ ABC vào con đường sự nghiệp y khoa sau này, hình ảnh đó thật đẹp, cao quý làm sao! Từ khi còn là học sinh trung học bước vào trường học y biết bao ngỡ ngàng, những bài học đầu tiên như sinh hóa, sinh lý, rồi tới giải phẫu học, từ từ khám phá khoa học cơ thể con người. Hăm hở muốn có nhiều biết về nhiều bệnh, bệnh này do gì và trị bệnh làm sao, những giây phút ấy mỗi khi nhắc làm sao mà quên được. Hầu hết sinh viên y khoa gọi những người thầy đầu tiên của mình là những ông thầy đích thực.



Dần dần đi lâm sàng tiếp xúc với cơ thể người bệnh, người sinh viên y khoa không còn tiếp xúc với những con chữ, những bài học lý thuyết suông nữa, mà là học trên người bệnh. Nhận thấy yếu tố “người” quá quan trọng hơn yếu tố “bệnh”, mà thực tế là phải học từ “người bệnh”. Cho nên ngay tại bệnh viện, các đàn anh rất khiêm nhường, họ thường khuyên sinh viên không nên gọi họ bằng thầy nữa mà hãy xem như họ là đàn anh là người đi trước hướng dẫn người đi sau. Hãy dành cái chữ thầy cho “những giáo sư già” đánh kính hay dùng cái chữ ấy cho những bệnh nhân của mình vì chính họ mới là những người thầy đích thực cho chúng ta sau này. Thật trân trọng cho thái độ khiêm nhường của các đàn anh. Trong truyền thống Nho giáo hay của Việt Nam ta từ xưa “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” dù là đàn anh nhưng họ cũng thật sự họ cũng là những người thầy cho đàn em, những người thầy đáng kính.

Ngày nay, sau khi đã ra trường hơn mười lăm năm. Mới thấy, ở mỗi giai đoạn chúng ta có những người thầy khác nhau. Người đồng môn có khi cũng là thầy, người đàn anh đàn em đôi khi họ cũng là thầy ta trong lĩnh vực nào đó. Có những người thầy, xét về tư cách, trình độ họ vẫn mãi mãi là người thầy của chúng ta. Tuy nhiên, có một sự thật thật chua chát rằng, vì cơ chế hay thời cuộc, còn những hình ảnh người thầy hay đàn anh tự nhiên biến mất theo thời gian. Khi bạn ra trường, bạn có cơ hội làm chung với những người mà trước kia họ là thầy người đàn anh, trước kia bạn kính trọng bao nhiêu thì ngày hôm nay bạn thất vọng bấy nhiêu. Đột nhiên, ngày nào đó bạn phát hiện ra họ có những chiêu trò rất đỗi bình thường của họ, họ đôi khi cũng lừa lọc bệnh nhân vì đồng tiền, họ cũng giành giật với bạn để điều trị cho những bệnh nhân thật dễ điều trị chỉ vì bệnh nhân đó có tiền, bệnh nhân giàu có. Lúc đó, thần tượng của bạn sẽ không còn nữa, điều đó thật vô cùng đáng tiếc.

Trong những người thầy kể trên, duy chỉ có người thầy không bao giờ thay đổi, ông thầy suốt đời, đó là bệnh nhân của chúng ta. Họ dạy cho chúng ta hằng ngày, một cách âm thầm, có những bài học dịu dàng, bên cạnh cũng có bài học chua chát, bài học đắng cay cũng có. Có những bài học học xong được thưởng, có những bài học học xong lại bị phạt, mà phạt rất nặng nên nhớ cả đời. Nếu chúng ta chăm chú học từ những người thầy này, đừng làm họ mất lòng, phải giận, hãy tỏ thái độ hết sức là tôn sư trọng đạo với họ, vì lợi ích của thầy cũng như của trò bác sĩ thì sợ gì không có tiến bộ trong sự nghiệp của mình. Ngày nay khoa học tiến bộ, chúng ta có máy tính có internet, có sách vở đầy đủ, hay nói chung chúng ta có hầu như tất cả các phương tiện, và nhờ những kiến thức của những ông thầy hồi thuở ABC lúc đầu ngơ ngác ấy, chúng ta có thể học tốt ở ông “thầy suốt đời” này một cách tốt nhất. Sự nghiệp của chúng ta, những người thầy thuốc là vừa học và vừa phục vụ cho những ông thầy suốt đời ấy. Hay mượn lời của một giáo sư nỗi tiếng, “bác sĩ là sinh viên y khoa suốt đời”, sinh viên y khoa suốt đời của những ông “thầy suốt đời”.

Ngày mùng ba Tết, hãy tri ân những ông “thầy suốt đời” của nhân viên y tế

Không có nhận xét nào: