Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

VÀI SUY NGHĨ VỀ NẠN CÒ Ở BỆNH VIỆN

Gần đây có vài stt của các thầy liên quan đến nạn cò trong bệnh viện. Chợt nghĩ cái gì cũng có nguyên do của nó vì vậy mình viết ra đây để cộng đồng bàn xem có đúng không.

Nạn cò bệnh viện là triệu chứng của một căn bệnh mang tên là “quá tải” ở các bệnh viện công. Ở đó, dễ dàng nhận thấy nhất là ở khu phòng khám, khi phải nhập viện đó là một chuỗi dài các ngày phải chờ đợi.


Khi nói đến lực lượng cò, ai cũng nghĩ đến ý nghĩa xấu. Bệnh nhân đâu phải ai cũng không biết họ đang giao dịch với cò, nhưng thật tình mà nói bản chất của giao dịch này là hoàn toàn tự nguyện không ai bắt buộc ai. Cò muốn lôi kéo bệnh nhân, phần lớn cò phải dùng lời lẽ ngon ngọt gì đó, phải tỏ ra là người dễ tin tưởng thì bệnh nhân mới chấp nhận chứ. Có ai để ý không, chứ phần lớn tôi nhận thấy cách nói chuyện của cò làm bệnh nhân rất tin tưởng, họ giải thích, họ cầm hồ sơ của bệnh nhân, họ hướng dẫn bệnh nhân khám bệnh rất nhiệt tình, họ gặp nhân viên y tế họ tươi cười, họ làm vậy họ mới “ăn” đồng tiền của bệnh nhân được chứ, vì vậy nói cò xấu hoàn toàn thì nên suy nghĩ lại. Có phải cò đang làm cái "tâm lý tiếp xúc" với bệnh nhân tốt hơn bệnh viện không.

Bất cứ điều gì cũng vậy, cá nhân nào cũng vậy, cò cũng vậy điều có mặt tốt mặt xấu. Đứng trên quan đểm của bệnh viện nhất là về phía các nhà quản lý dứt khoát cò là xấu, nhưng trên quan điểm của bệnh nhân thì cũng chưa chắc.

Bệnh nhân chấp nhận giao dịch với cò phần lớn là bệnh nhân từ tỉnh xa đến, họ nhìn hệ thống phòng khám của các bệnh viện, bệnh nhân phải chen chúc nhau, quá đông người, làm họ lo lắng, họ không biết là vào đó khám biết đến bao giờ mới xong, thế thì họ tìm đến sự giúp đỡ của cò.

Chung quy cũng vì chữ “nhanh”, vì chữ “nhanh” này mà bệnh nhân phải trả phí cho cò, nên nhớ là trả phí trên sự tự nguyện. Bệnh viện không có chữ “nhanh” đó, ngược lại bệnh viện cho bệnh nhân chữ “hành” thì thử hỏi làm sao bệnh nhân không tin vào cò cho được.

Nạn cò, nói lên một phần nào sự thất vọng của bệnh nhân từ tỉnh xa đến khám ở các bệnh viện lớn. Các bệnh viện lớn không đáp ứng nhu cầu hay mong mỏi của bệnh nhân xa, hay nói khác đi, họ “tưởng dzậy mà không phải dzậy” khi lần đầu họ đến khám, đích mục sở thị cái bộ mặt bát nháo của các phòng khám ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Tại sao nạn cò hiếm có ở các bệnh viện tỉnh? Tại sao nạn cò hiếm thấy ở các bệnh viện tư?

Các lãnh đạo, họ lên án nạn cò, họ lên án dữ lắm. Thật lòng có phải họ lên án vì quyền lợi của bệnh nhân không, hay là họ lên án vì họ đang mất miếng ăn. Nếu họ lên án nạn cò, song song với việc lên án đó họ phải làm sao cải thiện cho được chất lượng ở khu khám bệnh, phải nhanh chóng, hãy tổ chức ra những người chỉ dẫn hướng dẫn tận tình bệnh nhân. Hay nói khác hơn là họ hãy lấy lại lòng tin của bệnh nhân, họ hãy làm sao cho bệnh nhân tin vào bệnh viện hơn là tin vào cò đi, kéo bệnh nhân về phía mình đi.

Chính vì căn bệnh mang tên “quá tải” là căn bệnh mạn tính, không có thuốc chữa nên nạn cò còn dài dài và cũng không có thuốc chữa luôn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét