Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

BÁC SĨ TA GIỎI QUÁ


Bác sĩ ta giỏi quá ! Trong năm qua và còn đang tiếp tục nữa, truyền thông cả nước đưa tin cũng như qua đời sống thực tế chứng kiến, ai cũng dễ dành nhận ra những yếu kém của ngành y tế. Thế mà, đột nhiên lại có bài báo ca ngợi bác sĩ ta giỏi quá thế giới phải “nghiêng mình”. Phải chăng đây là một tiếng đàn lạc điệu, một tiếng cười khó hiểu giữa muôn vàn tiếng than khóc, một hành động tự sướng không đúng chỗ không đúng lúc.

Là người trong nghề, ai mà không mong nghề mình mạnh lên, bác sĩ chúng ta hay ngành chúng ta được thế giới ngưỡng mộ, họ đến đây học, nhưng thật tình mà nói ước mơ ấy là một mong ước xa vời. Càng xa vời hơn khi có những hành động tự mãn, tự lừa dối mình, không chấp nhận thực tế, vì hậu quả của nó là ngành y sẽ còn tụt hậu dài dài.

Cứ tưởng những bài báo khen “bác sĩ ta giỏi quá” như thế này chỉ có thời bao cấp, thế nhưng thời buổi bùng nổ thông tin hiện nay, đây đó người ta vẫn thấy đó đây những bài như thế hay có những nhận định hoàn toàn sai lầm của người có chuyên môn và không có chuyên môn.

Mà cũng phải nói thẳng là phần lớn các siêu sao bác sĩ được dư luận trong nước ca ngợi toàn trong ngành ngoại khoa, mà y học đâu chỉ có ngoại khoa. Nếu tính toàn ngành ngoại khoa kể cả siêu sao, thì “mức độ hay” của ngành ngoại khoa nước ta đang ở vị trí nào trên thế giới. Vì vậy không thể lấy một vài trường hợp, một vài siêu sao trong ngành mà suy ra cái ngành ngoại khoa hay suy rộng ra là ngành y tế được. Lấy vài điển hình của vài bàc sĩ, tạm cho là giỏi, suy ra các bác sĩ của ta đều giỏi là một nhận định quá vội vàng.

Mặc khác, phải nói thẳng là phần lớn những cải tiến ngoại khoa thường không khó. Ví vụ một phương pháp mổ nào đó, nếu chịu ngồi suy nghĩ chúng ta cũng có cách cải biên ( chứ không phải cải tiến). Thiên hạ mổ đường mổ này, ta mổ đường mổ kia chẳng hạn. Có vài trường hợp nước ngoài người ta chưa dám làm vì lý do y đức thì ta dám cả gan làm trên người bệnh nhân. Nhớ ngày trước, trong thời gian mời các giáo sư Mỹ qua VN dạy về tạo hình bàng quang bằng ruột, ông ấy chỉ mổ hở, phẫu thuật này mổ hở còn khó. Trong thời gian ông ấy chờ phòng để mổ, ông ấy qua phòng bên cạnh, chứng kiến một phó giáo sư của VN mổ ca cắt bàng quang toàn phần bằng nội soi (laparoscopy). Ông gs Mỹ bàng hoàng vô cùng, đứng xem tay pgs VN mổ một cách chật vật, với một quyết tâm rất cao, điệu nghệ, cuối cùng ca mổ cũng xong, nhưng hậu quả bệnh nhân tử vong, ca đầu tiên. Thật đau lòng!

Trong những trường hợp áp dụng các kỹ thuật ngoại khoa vào VN, thường có lập luận rằng, chúng ta phải làm, phải áp dụng kỹ thuật mới trên người bệnh và chấp nhận tai biến biến chứng trên số bệnh nhân đầu tiên, vì không có những bệnh nhân đầu tiên ấy thì làm sao có kết quả tốt hay ứng dụng lâm sàng rộng rãi được. Đây là một lập luận xem thường tính mạng bệnh nhân, có khi vì thành tích mà người ta làm bất kể hậu quả là gì. Những kỹ thuật vừa xuất hiện trong sách vở ở ngoại quốc, vừa thấy trên mạng, vừa thấy ở hội nghị, ở VN vội áp dụng ngay mà không quan tâm mức độ an toàn điều kiện cho phép làm hay không, vì chúng ta quá tự hào là bác sĩ VN khéo tay. Và điều quan trọng hơn nữa là bệnh nhân không hề biết mình đang làm “những ca đầu tiên” ấy.

Có vài người tự hào bác sĩ VN ta khéo tay, giỏi hơn các bác sĩ ngoại quốc, chê các bác sĩ ngoại quốc mổ dở. Cái lý luận này là người VN ai cũng dễ dàng chấp nhận, các bác sĩ trẻ VN ra nước ngoài học ai cũng tự hào khả năng khéo tay của người VN mình. Điều này có thể đúng, nhưng nên nhớ đây là nhận định hoàn toàn cảm tính, chưa có công trình nghiên cứu nào đánh giá mức độ khéo tay của bác sĩ VN hay nói chung là châu Á so với Tây phương cả. Mà có nên quá tự hào về cái khéo tay ấy hay không?

Thật lòng mà nói, y học VN ngày nay có tiến bộ hơn so với những năm trước đây, nhờ sự cọ xát, nhờ sự phát triển chung y học của nhân loại về phương diện chẩn đoán hình ảnh, thuốc men mới được du nhập vào VN, và có rất nhiều những kỹ thuật mới được áp dụng. Các bác sĩ chúng ta phải thành tâm thừa nhận và cám ơn những “bệnh nhân đầu tiên” ấy. Nhưng, phải làm cách nào đó, hay luật pháp phải chặt chẽ như thế nào đó, để chúng ta vừa áp dụng kỹ thuật mới mà vừa tôn trọng sinh mạng của người bệnh.

Tóm lại, nói đến nền y tế VN, các bác sĩ VN giỏi như thế nào chúng ta phải tính trên mặt bằng chung của toàn quốc gia, chứ không nên đem hình ảnh của một vài siêu sao nào đó mà suy ra một tổng số èo uột được. Cũng không nên lấy chất lượng phục vụ bệnh nhân ở những bệnh viện cao cấp ở các thành phố lớn mà tự mãn, tự kiêu quên đi các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến địa phương còn nhiều thiếu thốn về tri thức cũng như về trang thiết bị, ở đó (tuyến địa phương) phục vụ bệnh nhân đông hơn, ở đó không cần sao chỉ cần mặt bằng chung khá hơn thôi. Các “siêu sao bác sĩ” ở VN là những ngôi sao lẻ loi trên một bầu trời đêm y tế VN tối đen như mực. Bệnh nhân cần mình được phục vụ tốt hơn chứ bệnh nhân không cần ngắm sao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét