Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

THUỐC NAM

Cái gì đụng tới truyền thống dân tộc, của ông bà để lại cũng gây tranh cãi và bàn luận vấn đề đó luôn là chuyện tế nhị, dễ bị qui chụp cho nhiều tội. Mặc dù vậy, đã là một bác sĩ tây y khi thấy những chuyện dân ta quá tin tưởng vào thuốc nam mà mất mạng mà không nói cái gì đó thì cũng không phải.  

Gần nhà có bà bệnh nhân khoảng 70 tuổi, đi cầu ra máu, đã đi một phòng khám nào đó chuẩn đoán là trĩ. Bệnh nhân gặp mình nói là bả cảm giác không phải là trĩ và có người chị chết vì ung thư đại tràng. Vì gặp bà ấy trong điều kiện không thể khám hậu môn và trực tràng, nhưng mình cũng đã khuyên bà ấy đi soi đại tràng theo tuyến bảo hiểm của bà ấy, tại bệnh viện 115. Kết quả soi và sinh thiết là bướu đại tràng xuống, gần chịt hẹp lòng đại tràng. Ở bệnh viện cũng đã khuyên bà ấy nhập viện để mổ, nhưng bà ấy không chịu. Về nhà gặp mình cũng khuyên tương tự, nên vào bệnh viện để làm cách chẩn đoán hình ảnh thêm, và nên mổ vì có khả năng bướu còn khu trú, có thể điều trị hết bệnh được. Người nhà có nói là bà ấy có bà chị, mổ rồi cũng chết. Mình cố khuyên là bệnh mỗi người mỗi khác, biết đâu mình may mắn phát hiện trong giai đoạn sớm , mổ thì hết bệnh ngay.

Không may là cả gia đình bà ấy lại đi hỏi ý kiến của bà thầy thuốc nam gần nhà. Không hiểu bà kia giải thích làm sao mà cả nhà lại đồng ý chọn cách uống thuốc nam tới đầu hay tới đó.

Trước khi có tây y, thì dân ta điều trị bằng thuốc nam. Không phủ nhận là ôgn bà ta đã sống nhờ thuốc nam một thời gian. Nhưng nên nhớ là lúc đó tỷ lệ tử vong rất cao, và không có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của thuốc nam tới đâu, toàn qua kinh nghiệm. Tuổi thọ rất thấp, có những bệnh không thể cứu được chỉ nhờ vào thuốc nam chẳng hạn như những bệnh chỉ chữa được bằng phẫu thuật. Không chối cãi là thuốc nam, hay điều trị bằng cây cỏ cũng gíup ích cái gì đó.

Nhưng, riêng lĩnh vực ung thư thì thuốc nam có vai trò rất hạn chế. Người bệnh cũng như gia đình có thể chọn thuốc nam như là một điều trị tạm bợ, kiểu còn nước còn tát, hết trách nhiệm với người nhà của mình trong những trường hợp di căn, hay bệnh viện trả về. Nhưng không phải bệnh ung thư là có nghĩa là chết. Bệnh ung thư là bệnh có thể trị được bằng tây y nhất là phẫu thuật cho những giai đoạn bướu còn khu trú chưa di căn. Vì vậy, trở lại trường hợp bà bệnh nhân ấy, phải chi người nhà theo bệnh viện có khả năng bà ấy sẽ được cứu, phải chi không có thuốc nam để người bệnh vội vã đặt niềm tin vào rồi sau đó cái chết sẽ đền một cách từ từ.

Khi bị ung thư, nếu chọn thuốc nam là chọn sự khởi đầu rất nhẹ nhàng. Quá trình điều trị là chuỗi ngày xắt thuốc nấu uống, hoàn toàn ở nhà, trong một thời gian dài, rồi khối u cứ phát triển, đến một giai đoạn nào đó bệnh nhân đau đớn và tử vong.

Còn nếu lựa chọn phẫu thuật, người ta cảm thấy quá nặng nề. Phải vào bệnh viện làm đủ các biện pháp chẩn đoán, rất mệt mỏi, rồi phải mổ, rồi đau đớn. Nghĩ tới chuyện đó người ta sợ. Người ta lại so sánh những trường hợp có mổ đi chăng nữa rồi cũng chết. Chưa kể khi gặp những ông những bà thuốc nam còn phán câu, “thấy chưa tôi đã bảo là khối u mà đụng dao đụng kéo vô là vậy đó!”

Khi đến với thuốc nam, gặp ông này thì có “phác đồ” này, gặp bà kia thì có "phác đồ" ki”. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn cứ hy vọng, không bao giờ nghi ngờ tính hiệu quả của những phát đồ của mấy ông bà đó. Bao nhiêu người đã được cứu, hoàn toàn không, dễ dàng giao tính mạng của mình cũng như của người nhà mình cho các “thầy thuốc nam” đó.

Và thật bái phục các ông bà thầy thuốc nam, trong cách giao tiếp với bệnh nhân không hiểu mấy ông bà nói gì mà bệnh nhân tin quá, cái này các bác sĩ nên học hỏi để giành lại bệnh nhân của mình đây!

Và điều trớ trêu là chưa bao giờ thấy bệnh nhân kiện các ông thầy thuốc nam này. Có lẽ dân mình quá quý trọng cái “truyền thống” mà dung dưỡng tất tần tật những việc các ông thầy ấy làm chăng?

Qua status này, tôi không có ý chỉ trích thuốc nam. Nhưng mong rằng, các ông bà thuốc nam hãy tha cho bệnh nhân ung thư, đừng cướp đi cơ hội có thể điều trị hết bệnh của bệnh nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét