Thứ Ba, 8 tháng 4, 2014

PHÒNG CẤP CỨU Ở ĐÂU VẬY BÁC SĨ?

Hai cha con, người cha là bệnh nhân, người con là con trai đi theo dẫn cha đi khám bệnh. Ông già bị bệnh hẹp niệu đạo , mở bàng quang ra da đã từ lâu, đi khám ở phòng khám bệnh viện. Đi khám từ sáng, còn trong giờ hành chính vì lý do phải chờ đến lượt mình, đến trưa phòng khám nghỉ, bác sĩ cũng nghỉ, nhưng bệnh không có nghỉ. Bàng quang của ông ngày càng căng, vì lý do cái thận của ổng nó không chịu nghỉ trưa như các bác sĩ và bệnh viện, nó làm việc suốt, mà cái ống mở bàng quang ra da nó nghẹt. Bí quá, hai cha con không biết làm sao, bèn tìm đến phòng cấp cứu của bệnh viện. 
Con trai dẫn người cha vào khoa cấp cứu

Do lần đầu đến bệnh viện này nên đường đi nước bước không tỏ không tường, không biết tìm phòng cấp cứu nơi đâu, đi lòng vòng, hai cha con, một già một trẻ đi lạc vào phòng lưu bệnh của khoa cấp cứu. 


Người con bẽn lẽn, dáng người nông dân lần đẩu lên thành phố nên cái gì cũng sợ, không dám hỏi ai. Khi dẫn ống già vào phòng cấp cứu, ống già một tay thì cầm cái bọc thông tiểu, nhìn dáo dác và lo âu, người con thì cứ rụt rè tiến về bác sĩ hỏi: 

- Bác sĩ, cho con hỏi đừng có la nhe, cái ống của ông già nó nghẹt rồi thay cái ống mới ở đâu. 

Nhìn hai cha con, thấy thật tội nghiệp, có cảm giác như lúc nào cũng sợ nhân viên y tế la mình. Còn cái bao câu nước tiểu và cái ống thì rất cũ, quá lâu ngày không được thay. Bác sĩ bèn dẫn hai cha con ra cái phòng nhận bệnh để thay cái thông mở bàng quang ra da cho ông già. 

Kinh nghiệm cho thấy, nếu bệnh nhân ở thành phố khám bệnh ở các bệnh viện thành phố thì thường không có vấn đề gì. Nhưng, đối với bệnh nhân ở dưới tỉnh, ở vùng sâu vùng xa đến bệnh viện thành phố khám thì họ rất bối rối, họ là đối tượng của bọn người bất lương, móc túi, cò bệnh.v.v..Đặc biệt là họ rất sợ nhân viên y tế ở thành phố, họ sợ bị nạt , họ sợ bị la.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét