Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

NGƯỜI THẦY TRONG NGÀNH Y NGÀY NAY

Nói đến người thầy trong ngành y thường nhắc tới những giáo sư đáng kính, đạo mạo, tư cách nghiêm túc. Cái đáng quý nhất là họ hết lòng với bệnh nhân hết lòng với thế hệ sau. Có lẽ, những hình ảnh ấy chỉ còn trong quá khứ. 

Ở Việt Nam trước đây, trước ngày đất nước thống nhất dù đất nước còn trong cảnh khói lửa đao binh , nhưng hai miền Nam – Bắc chúng ta có những người thầy như thế đại diện cho ngành y của hai miền. Tạm kể ra, tiêu biểu miền Bắc có GS Tôn Thất Tùng, miền nam có GS Phạm Biểu Tâm và còn nhiều người khác nữa. Mỗi khi nhắc đến họ, chúng ta thường dành cho một cảm giác kính trọng và tiếc nhớ.

Ngày nay, hình ảnh giáo sư và ngay cả những người phó giáo sư hoàn toàn khác. Thay vì họ phải tiếp nối truyền thống của người đi trước hết lòng lo cho đàn em cho bệnh nhân của mình. Vì có nói gì thì nói, dù trang thiết bị phương tiện học tập có tốt đến đâu, có internet có ipad iphone gì đi chăng nữa, người học trò người sinh viên y khoa vẫn luôn cần những hình mẫu, những hình tượng người thầy mẫu mực để họ noi theo. Những hình ảnh như vậy có tác dụng giáo dục rất lớn.

Chứ cớ đâu, vừa lên phó giáo sư thôi mà đàn em lỡ quên ghi cái chức danh đó trước tên của mình mà giận dỗi bỏ đi, làm chậm trễ một trường hợp cấp cứu, có phải vì danh không. Giáo sư ở bệnh viện nọ, thay vì phải tiếp nối truyền thống của các thầy đi trước, vì sự nghiệp và di sản tốt đẹp của các thầy để lại, thì đàng này, họ lợi dụng cái nhãn mác phó giáo sư- giáo sư để trục lợi. Họ có đủ lý do để trục lợi hay tư túi trong bệnh viện công, họ quên đi nhiệm vụ thiêng liêng của người giáo sư y khoa, của nhà nước ban cho họ, nhà nước ban cho họ đâu phải để họ trục lợi.

Trong một bệnh viện công , nơi mà mỗi khi đến ngày 27/02 hay ngày nhà giáo họ thường xuyên nhắc đến tên các thầy các thế hệ giáo sư trước. Thế mà, họ lại nghĩ ra được cái gọi là “phòng khám giáo sư”. Họ rất sáng tạo, họ tích cực sáng tạo, mà những sáng tạo ấy chỉ có lợi cho riêng họ, không có lợi cho cộng đồng. Họ lập ra phòng khám giáo sư cũng tốt, nhưng phải chi giá cả của phòng khám giáo sư đó cũng giống như phòng khám của các bác sĩ khác thì đâu có gì đáng nói. Mỗi lần bệnh nhân muốn vào phòng khám giáo sư phải đóng tiền 150-200 ngàn, họ chỉ phục vụ bệnh nhân giàu có, họ đang khám dịch vụ trong bệnh viện công, hay nói khác đi họ đang lấy giờ của nhà nước đi kiếm tiền. Mỗi buổi khám xong mỗi vị bỏ túi 5-6 triệu đồng, trong khi phòng khám của các bác sĩ thì không có đồng nào. Các bác sĩ đành chua chát nhận xét “các giáo sư giành ăn ghê quá đi!”. Các giáo sư hí hửng “chuyến này khỏi cần phải mổ, tháng tao khám bốn buổi cũng bỏ túi 20 triệu đồng”, thật là hết nói.

Hỡi ôi, thật đau lòng, đó là hình ảnh thật trần trụi của giáo sư, những người được sinh viên và các bác sĩ trẻ gọi là thầy ngày nay. Càng có nhiều học hàm học vị thì các vị ấy có nhiều cơ hội chạy sô hơn. Họ khám ở bệnh viện trường, họ có nhiều lý do để giành quyền lợi ở đó, họ xưng họ là thầy thì phải có quyền lợi chứ! Khám trường xong chạy qua khám ở bệnh viện, mổ dịch vụ mổ yêu cầu, vì họ nói ở bệnh viện phải cần cái danh tiếng của họ chứ, không có họ thì bệnh nhân đâu có đông như vậy đâu.

Nào có phải cái bệnh viện đông bệnh nhân là nhờ danh tiếng của họ đâu, đông bệnh nhân là nhờ danh tiếng của các thầy xưa để lại, nhờ là vì bệnh viện công nên giá điều trị rẻ, đó là lựa chọn của bệnh nhân nghèo , họ phải lựa chọn bệnh viện công rẻ tiền mà thôi. Các giáo sư hay phó giáo sư họ chỉ hái quả, hưởng lộc của các thế hệ đi trước, chẳng đóng góp gì đáng kể cho sự nghiệp chung. Rồi đến ngày 27/02, ngày nhà giáo họ bỏ ít phút nhắc tên các thầy để mọi người nhìn họ là người có trước có sau, uống nước nhớ nguồn, thật không thể hiểu nỗi. Miệng thì nói chuyện nghĩa nhân, hành động thì hoàn toàn ngược lại các thầy xưa.

Muốn vực dậy nền giáo dục, đổi mới ngành y của nước nhà, thiết nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ những người thầy như thế này. Nếu họ mãi mãi như thế, thì làm sao họ có thể đào tạo các thế hệ đàn em thế hệ bác sĩ tương lai đàng hoàng cho được, hay là họ sẽ cho ra lò những thế hệ “giành ăn” giống như họ tiếp theo.

Buồn !

Không có nhận xét nào: