Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

CÁCH XƯNG HÔ TRONG BỆNH VIỆN

Tiếng Việt chúng ta trong cách xưng hô rất đặc biệt , rất khác với những ngôn ngữ phổ biến trên thế giới. Ví dụ với ngôi thứ nhất: “anh” “chị” “cô” “bác” “chú” “con” “cháu” điều được tùy vào tuổi tác đảng cấp và vai vế của hai người đối thoại với nhau. Điều này gây khó khăn cho người học tiếng Việt. 

Nhưng bản thân chúng ta người Việt, sống ở đất Việt, nói tiếng Việt hằng ngày nhưng đôi khi chúng ta cũng lúng túng, và lắm lúc chúng ta gặp cảnh khó xử vì không biết gọi hay xưng thế nào cho phải. Hoặc là chúng ta phải chứng kiến cách người khác xưng hô mà khó chịu. Trong cách xưng hô của người Việt, cái sự xưng hô nó còn thể hiện sự tôn trọng của người nói cho người nghe nữa, thâm chí miệt thị, khinh thường người nghe chỉ cần thay đổi đại từ nhân xưng. Khi dùng “mày”, “hắn”, “nó”, “thằng” con này con nọ..Đó là trong cuộc sống đời thường.

Trong bệnh viện cách lịch sự nhất để gọi một bác sĩ là dùng chữ “bác sĩ” rồi sau đó là tên của vị bác sĩ ấy. Dù người nói có địa vị như thế nào trong bệnh viện, từ hộ lý , anh bảo vệ, hay bất kỳ lứa tuổi nào gọi bất cứ bác sĩ nào cũng đều chấp nhận được và dễ nghe. Nhưng, có một bộ phận nhỏ các y tá, không hiểu sao gọi bác sĩ bằng “thằng”, nhất là các y tá có thâm niên, nghe rất là kỳ, cái này gọi là hỗn. Thậm chí có bác sĩ trẻ mới ra trường, vì muốn lấy lòng, xưng với một y tá lớn tuổi bằng “mẹ” rồi chị y tá kia kêu lại bằng “con” nữa. Tình trạng phổ biến hiện nay, không biết do nguyên nhân gì người ta trong bệnh viện thay vì gọi là “bác sĩ” X nào đó họ bỏ chữ “sĩ” đi chỉ còn “bác”. Cách rút gọn này có thể giống trong tiếng Anh, thay vì gọi “doctor” người ta chỉ còn dùng một chữ “doc”. Một bác sĩ trẻ khi vào bệnh viện gặp anh bác sĩ lớn hơn ban đầu luôn gọi bằng “thầy” thời gian sau chuyển qua bằng “bác” thấy cũng ngộ.

Cách xưng hô còn tùy thuộc không gian, ngữ cảnh của cuộc đối thoại nữa, ví dụ bác sĩ trưởng khoa hay bác sĩ lớn khi nói về một bác sĩ nào đó nếu gọi bác sĩ đó bằng “thằng” thì cũng được, nhưng trong không gian có nhiều y tá, hộ lý hay có người nhà bệnh nhân cũng như bệnh nhân thì cách gọi như vậy không phù hợp lắm. Hay một y tá gọi bác sĩ là “anh” hay thậm chí “ông” thì cũng chấp nhận được, nếu trong ngữ cảnh đó chỉ có hai người, còn có người khác thì nghe không thuận nhĩ lắm. Hoặc hai bác sĩ cùng tuổi, cùng trang lứa với nhau, nói chuyện trong phòng trực xưng “mày – tao” thì được, khi có mặt người lạ hay cấp dưới, cấp trên thì nghe không hay cho lắm.

Có vị bác sĩ lớn luôn gọi bác sĩ nhỏ hơn bằng "các chú", giống mấy vị làm chính trị cách mạng, nghe cũng vui tai. Nhớ khi xưa cố GS TCT gọi các bác sĩ nào cũng bằng "đồng chí", chắc do thời kỳ lịch sử mới thống nhất đất nước. Hoặc tay bác sĩ nọ gọi bác sĩ giám đốc và phó giam đốc bằng anh Hai anh Ba để thể hiện sự thân tình trên mức bình thường của mình và hai vị kia. Có bác sĩ khác luôn gọi tay P GS nọ bằng “thầy” để mưu cầu lợi lộc gì đó.

Có muôn màu muôn vẻ cách xưng hô trong bệnh viện, nếu để ý thấy chúng ta sẽ biết các mối quan hệ của họ. Điều này thật thú vị vì nó rất khác với văn minh Tây phương.

Cách xưng hô của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đối với nhân viên y tế thì có thể không chấp, vì họ thuộc nhiều vị trí xã hội trình độ văn hóa khác nhau.

Tiếng Việt thật phức tạp, rất nhiều màu sắc. Chỉ cần nhìn cách xưng hô cũng đoán biết cái văn hóa cái ý đồ của người nói chuyện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét