Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

MỘT NĂM NHÌN LẠI , SỰ “PHI LÝ” ĐỐI VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ TỐT

Trong năm qua là một năm sóng gió đối với ngành y tế, làm cho những nhân viên y tế đàng hoàng làm việc cật lực phải dừng tay lại ngơ ngác, hỏi chuyện gì đang xảy ra, tôi là ai? và tôi phải làm gì?

Ai trả lời được cho họ đây. Dù gì đi nữa chúng ta cũng phải thừa nhận rằng số nhân viên y tế tốt làm việc có tâm, vì bệnh nhân cũng là số đông chiếm đa số bên cạnh những đồng nghiệp không đàng hoàng của họ, một thiểu số nhỏ hơn hay những con sâu. Vì số phận nên họ phải làm chung những con sâu đó, họ phải chịu quy luật muôn thuở của câu nói “con sâu làm rầu nồi canh”.


Xã hội yêu cầu rất cao đối với nhân viên y tế, không được xuống cấp y đức, ăn nói phải nhỏ nhẹ với bệnh nhân, không được nhận bao thư cho dù bao thư đó là “tiền boa” cho những hành động ân cần chăm sóc sức khỏe cho họ mà phần lớn họ không đòi. Nhân dân, hay bênh nhân thật sự có bệnh , đang làm bệnh nhân họ thật sự cần một sự chăm sóc y tế từ nhân viên y tế hết lòng về chuyên môn, lúc nào cũng no bụng, không phải đói hay quá lo lắng về kinh tế khi chăm sóc sức khỏe cho họ. Những bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân có điều kiện họ rất hiểu hoàn cảnh nhân viên y tế làm việc trong cơ quan nhà nước thường không được trả lương cao, nếu họ thật sự nghĩ tới điều đó họ thương lắm một nhân viên y tế tận tụy nhưng không được lương bổng xứng đáng hay tệ hơn chỉ là mức lương đủ sống cũng không có.

Xã hội rất mạnh tay với hành động nhận bao thư từ phía bệnh nhân, lên án dữ lắm nhưng dù sao đi nữa hành động đó chỉ là hành động nhũng nhiễu (nếu có) hạng ruồi, hạng lông. Trong khi đó xã hội lại rất nương tay, hay cơ chế rất nương tay với tham nhũng hạng nặng, những con cọp, những con cá mập trong ngành.

Về phía nhà quản lý, người ta làm mọi cách xoa dịu dư luận. Dư luận lên tiếng điều gì là họ có biện pháp ngay, nào là đường dây nóng, nào là phạt 30 triệu khi nhận bao thư. Nhưng hầu như họ không có giải pháp nào để nâng cao đời sống của nhân viên y tế lên cả, chắc họ quên câu “có thực mới vực được đao" chăng. Họ chỉ toàn kêu gọi trách nhiệm, hết kêu gọi trách nhiệm họ lại ra những quy định, họ chế tài nhân viên y tế, có nghĩa là lương không tăng mà có nguy cơ hụt hơn nữa.

Hệ thống quản lý kém hiệu quả, điển hình là trong bệnh viện chứ không nói đâu xa có những vị trí hoàn toàn không cần thiết mà lại đông nhân viên. Có những vị trí mà nhân viên không làm gì cả, tối ngày đi tới đi lui, đi tám chuyện, đi buôn dưa lê mà lương lại cao ngút trời. Tổ chức quản lý như thế nào, chỗ thì người làm không hết việc, đầu tắt mặt tối, chỗ thì tập trung đông bác sĩ để đánh domino, đánh bài trong giờ làm việc, sự phi lý không thể tả hết!

Sắp Tết đến nơi, nhân viên y tế làm việc chân chính trông chờ vào tiền thưởng Tết, nhưng lãnh đạo bảo chỉ có bấy nhiêu, họ buồn lắm. Trong quá trình làm việc cả năm đủ thứ áp lực, Tết đến đủ thứ chuyện phải chi tiêu nhưng “chỉ có bấy nhiêu” thì tội cho họ lắm. Tiền thưởng Tết có thể không là gì đối với các quan chức trong ngành y tế, nhiều khi không bằng một độ nhậu của họ, nhưng đối với phần lớn nhân viên y tế quèn đó là niềm khích lệ lớn lao, cái gì đó để khoe với gia đình, cái gì đó là động lực để họ còn gắng kết với bệnh viện trong năm tới.

Rất đồng ý với nhận định của một quan chức nào đó là đừng đỏi hỏi nhân viên y tế một sự hy sinh. Thật sự là họ đang hy sinh ! Một nhân viên y tế tốt họ không đòi hỏi gì nhiều, họ chỉ đòi hỏi đời bớt phi lý hơn. Công bằng dĩ nhiên không có trên cuộc đời này nhưng phải hành động làm gì đó để đời bớt đi sự bất công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét